‘Tín dụng tăng chậm không đáng lo’

Tín dụng tăng chậm nhưng là giá trị thực. Thay vì có ý định nới lỏng điều kiện vay để thúc dư nợ, Chính phủ nên mở rộng quy mô quỹ bảo lãnh, hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất, thuế, phí, nhằm khơi thông đầu ra.

Đã hết quý một, song các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán tín dụng đầu ra khi dư nợ đến cuối tháng 3 mới nhích 0,1%. Huy động tốt nhưng đầu ra của các ngân hàng hiện nay không khả quan khiến dòng vốn kẹt lại trong hệ thống ngân hàng. Các nhà băng phải chuyển sang kênh tín phiếu, trái phiếu Chính phủ… trong khi nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn.

Tuy nhiên, để đánh giá vấn đề này cần đặt trong bối cảnh tổng thể. Trước hết phải xem lại tiến trình tăng trưởng dư nợ trong thời gian dài. Từ năm 2001 đến 2010, tín dụng bình quân tăng 30% một năm và tương đương 135% GDP. Năm 2011 xuất hiện những bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán, tài chính và đặc biệt là bất động sản nên Chính phủ đã tiến hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần của Nghị quyết 11.

Lúc đó, chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ và tăng trưởng tín dụng từ mức cao trên 30% giảm xuống còn hơn 11%, rồi 8,91% năm 2012, tương đương khoảng 3 triệu tỷ đồng, tức khoảng 104% GDP. Nếu so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này không quá cao. Vả lại, bên cạnh thị trường tiền tệ, vai trò của thị trường chứng khoán tại các nước đối với việc cung ứng vốn cho nền kinh tế là rất quan trọng. Năm 2011, vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Thái Lan là 73%, Malaysia 137%, trong khi Việt Nam chỉ 15-20% GDP. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để giảm gánh nặng lên thị trường tiền tệ, giảm nhiệt việc tăng dư nợ.

Thực tế hiện nay, dù bước qua quý một, dư nợ gần như không tăng, thậm chí 2 tháng đầu năm còn giảm. Nhưng điều này hoàn toàn nằm trong một chuỗi quy trình thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ của cơ quan quản lý nhằm kìm hãm đà tăng nóng của tín dụng.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân chi phối khác. Thứ nhất, thị trường bất động sản bị đóng băng nên dư nợ trên lĩnh vực xây dựng, bất động sản giảm. Thứ hai là yếu tố mùa vụ (kỳ nghỉ lễ dài khiến nhu cầu vốn thấp). Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu và các nhà băng cũng thận trọng hơn khi cho những đối tượng này vay vốn nên cũng làm giảm đáng kể dư nợ.

Mặc khác, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động đã làm giảm nhu cầu vốn. Số doanh nghiệp còn tồn tại thì phần nhiều không đủ điều kiện vay, lãi suất cao vượt khả năng sinh lợi của các dự án sản xuất kinh doanh. Tình trạng hàng hóa trong nước sản xuất ra không tiêu thụ được, phần do sức mua yếu, bị hàng hóa nhập lậu, hàng giả, nhái, …cạnh tranh nên khiến doanh nghiệp tắc đầu ra và không mặn mà vay vốn để mở rộng đầu tư.

Trước đây tình trạng sở hữu chéo và cho các công ty con vay tràn lan, nay đã được kiểm soát chặt chẽ cũng khiến dư nợ giảm. Đồng thời, việc tăng dư nợ ảo, chạy đua phát triển tín dụng để hoàn thành chỉ tiêu giờ cũng không còn… Bản thân ngân hàng giờ rất sợ nợ xấu nên khá thận trọng trong việc cho vay. Vì thế, ưu tiên hàng đầu của các tổ chức tín dụng hiện nay là chất lượng tín dụng nên điều kiện cho vay cũng khắt khe hơn.

Những nguyên nhân trên khiến dư nợ 3 tháng đầu năm nay gần như không tăng, nhưng nó hoàn toàn không đáng ngại. Bởi đó là con số tăng trưởng tín dụng thực chứ không còn ảo như trước đây.

Chính vì thế, không thể tăng tín dụng bằng mọi giá, mà phải đi kèm chất lượng và hiệu quả. Thời gian tới, để khơi thông dòng vốn vào đúng nơi cần phát triển thì trước hết phải gấp rút xử lý nợ xấu. Chính phủ nên đứng ra bảo lãnh cho một số doanh nghiệp đang vướng nợ xấu mà vẫn có khả năng phục hồi vay vốn, tức phát huy vai trò của quỹ bảo lãnh. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tự cải thiện năng lực của mình. Còn doanh nghiệp nào quá yếu thì phải tự phá sản và thành lập mới, trong sạch hơn, khỏe mạnh hơn để tiếp cận được nguồn vốn và tiếp tục phát triển.

Về phía nhà băng, hiện nay việc huy động vốn được ví như hòn than đang cháy, nếu cầm lâu sẽ bị bỏng. Ngân hàng thương mại phải tự giảm nhiệt của mình, tức phải làm dịu bớt độ nóng của hòn than này bằng cách giảm lãi suất huy động. Trên thực tế, trước khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,5% trần huy động ngắn hạn thì các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm cả lãi suất tiết kiệm ngắn hạn lẫn dài hạn. Điều này vừa giảm nhiệt cho ngân hàng, vừa có cơ hội giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp.

Thời gian tới, các ngân hàng cần thực hiện bước tiếp theo là giảm lãi suất cho vay, còn về mức nào thì để thị trường có lời giải. Tuy nhiên, tôi cho rằng mặt bằng lãi suất chỉ nên phổ biến quanh 11-12% là có thể chấp nhận được với các doanh nghiệp, sau đó, tùy tình hình có thể điều chỉnh dần xuống mức hợp lý hơn.

Mặc khác, cần phải tiến hành đồng bộ các chính sách và giải pháp tháo gỡ những nút thắt lớn của nền kinh tế hiện nay, như phá băng thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, chúng ta cần chấp nhận tư duy tăng trưởng kinh tế không thể chỉ dựa trên tăng trưởng tín dụng như thời gian trước đó. Bởi nguồn vốn để phát triển kinh tế có nhiều kênh khác nhau. Chẳng hạn ở một số nước nguồn vốn từ thị trường tài chính tương đương dư nợ, trong khi ở Việt Nam hiện nay rất thấp. Thời gian tới cần tập trung phát triển nguồn vốn ở thị trường này nhiều hơn.

Bên canh đó, nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cũng chiếm tỷ trọng lớn trong thành phần kinh tế. Hơn nữa, cái quan trọng là tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới có khả quan không, cũng có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP.

Còn kênh tín dụng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn nhiều đất để tác động lên cầu thị trường. Việc cắt giảm lãi suất chỉ giúp cắt giảm một phần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, trong khi cái gốc của vấn đề hiện nay là phía cầu đầu ra.

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published.