Tọa đàm “Cải thiện tính minh bạch môi trường kinh doanh ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam”

Tọa đàm “Cải thiện tính minh bạch môi trường kinh doanh ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam”, tổ chức ngày 21/1, tại Hà Nội, nhằm tìm hiểu những kinh nghiệm tốt trong quá trình nâng cao tính minh bạch của các tỉnh, thành phố góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư.

workshop2-81847_481x230

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Phòng Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khuôn khổ môi trường cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường tính minh bạch có vai trò quan trọng trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vai trò của tính minh bạch đối với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp được thể hiện ở khía cạnh cải thiện niềm tin của nhà đầu tư qua việc nâng cao tính minh bạch giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin tốt hơn và được tham gia vào quá trình ra quyết định cũng như giám sát quá trình thực thi các quyết định quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng một cản trở trong việc nỗ lực cải thiện tính minh bạch chính là “gánh nặng” đối với các cơ quan và tổ chức thực hiện bởi quá trình thu thập, xử lý, tổ chức và công bố thông tin luôn đòi hỏi có sự đầu tư lớn về nhân lực, thời gian và tiền bạc. Đối với doanh nghiệp chính là nguy cư mất lợi thế cạnh tranh khi các thông tin về hoạt động của mình sẽ bị phơi bày cho các đối thủ cạnh tranh khác.

Theo VCCI, việc cung cấp thông tin ngay từ giai đoạn tiếp xúc nhà đầu tư đã được nhiều tỉnh chú trọng và cải tiến. Các cơ quan đăng ký kinh doanh hoạt động với tinh thần hỗ trợ và trợ giúp cao nhất, theo hướng nhà cung cấp dịch vụ với những tiêu chí nhanh chóng về thời gian, tiện lợi về thủ tục và giảm thiểu về chi phí.

Bà Phạm Ngọc Linh, Giám đốc Công ty MCG – đơn vị tư vấn Dự án đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai và xây dựng – cho biết nhiều địa phương đã chủ động tìm kiếm giải pháp riêng nhằm minh bạch hóa môi trường kinh doanh. Giải pháp phổ biến vẫn là nghiên cứu và thiết lập cơ chế một cửa nhằm hài hòa các thủ tục đầu tư, xây dựng và đất đai. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định được mô hình ở địa phương nào là tốt nhất.

Bên cạnh đó, đối thoại doanh nghiệp với chính quyền cũng là một giải pháp được nhiều tỉnh áp dụng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền và đề ra những chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh./.

 

Theo TTXVN

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published.