Thủ tục đầu tư – đất đai – xây dựng là một trong số 24 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm rà soát năm 2012 theo Quyết định 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là thủ tục phức tạp, không minh bạch, gây nhiều bức xúc cho người dân, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý, làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư tại nhiều địa phương.
Tại buổi họp nhóm đầu tư – đất đai – xây dựng của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính chiều 20/3 /2012 với thành viên là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội.

Từ thực tế hoạt động của mình, luật sư Nguyễn Thúy Hằng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Vấn đề phê duyệt bồi thường giải phóng mặt bằng là bức xúc nhất, phương án nào để bảo đảm quyền lợi giữa một bên là doanh nghiệp, một bên là người dân bị lấy đất làm dự án. Trong khi Nghị định 84/2007/NĐ-CP bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình, tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai quy định rõ ràng dự án nào là dự án phát triển kinh tế thì Nghị định 69/2009/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lại không quy định nên đã tạo kẽ hở cho chủ đầu tư mập mờ, dựa vào Nghị định 69/2009/NĐ-CP để không bồi thường cho dân với giá như thỏa thuận đối với dự án thương mại, dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài. Các địa phương đương nhiên coi Nghị định 69/2009/NĐ-CP (ra đời sau) có giá trị hơn Nghị định 84/2007/NĐ-CP, trong khi cả hai Nghị định vẫn tồn tại song song, không bãi bỏ Nghị định nào.
Với những phân tích về sự chồng chéo, trùng lặp của các quy định, các thành viên Hội đồng đề xuất cần lọc lại các văn bản liên quan, lựa chọn quy định phù hợp để đưa về dạng chung, có phương án thích hợp cho chuỗi quy trình thủ tục đầu tư – đất đai – xây dựng. Tất cả các thủ tục hành chính đơn lẻ đều phải sửa theo chuỗi, phải được xem xét rà soát một cách tổng thể theo cả quy trình. Quy trình thủ tục đầu tư – đất đai – xây dựng phải được áp dụng trên cả nước và có hiệu quả với tất cả các loại dự án đầu tư mà không chỉ dừng lại đối với dự án có sử dụng đất…