Ngày 26/6/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo tham vấn về Thông tư Quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành Ngân hàng. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số vụ thuộc NHNN; đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường; các chuyên gia của IFC và đại diện của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng đối với các TCTD, bao gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã; và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Dự thảo Thông tư bao gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các ngành, lĩnh vực áp dụng; các quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, thành phần cơ bản, tổ chức quản lý, chính sách xây dựng Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội; các quy định về quy trình thực hiện, theo dõi, giám sát quản ý rủi ro môi trường và xã hội; các quy định về chế độ thông tin báo cáo.
Tại Hội thảo, đại diện các ngân hàng đều cho rằng việc sự ra đời của một văn bản quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng là cần thiết. Thông tư sẽ quy định và hướng dẫn triển khai xây dựng hệ thống quản lý môi trường và xã hội tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm đảm bảo tiếp cận một cách có hệ thống và có cấu trúc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Việc triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội sẽ mang đến cả trách nhiệm, cơ hội và lợi ích cho các ngân hàng; đặc biệt là giúp tăng cường quản lý rủi ro nội bộ, cải thiện chất lượng danh mục cho vay, góp phần nâng cao uy tín của TCTD, nâng cao giá trị thương hiệu, cải thiện hiệu quả tài chính, đồng thời thu hút vốn đầu tư từ các quỹ hoặc các tổ chức tài chính đầu tư.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo liên quan đến quy định về các ngành, lĩnh vực áp dụng được quy định trong dự thảo là tương đối rộng, cần có quy định cụ thể hơn về các ngành nghề, lĩnh vực áp dụng. Dự thảo cũng cần quy định rõ các nội dung khuyến khích thực hiện và các nội dung bắt buộc thực hiện về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng