Mình Nói Gì Khi Nói Về Nghề Tư Vấn

Đối với các bạn sinh viên viên mới ra trường ở Việt Nam, tư vấn quản trị (management consulting) có vẻ còn là một nghề xa lạ. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, tư vấn quản trị là một trong những ngành được sinh viên tốt nghiệp khao khát nhất. Vậy nghề tư vấn quản trị có thực sự như mơ ước?
Khi lần đầu bạn giới thiệu rằng mình làm tư vấn quản trị, câu hỏi bạn thường nhận được sẽ là “ủa tư vấn du học á” hay “tư vấn bảo hiểm à”. Sau khi giải thích một thôi một hồi, kết luận bạn nhận được là “tao chẳng hiểu mày làm gì hết cả”. Và sau một thời gian dài đi làm, bạn bè và gia đình cơ bản vẫn không hiểu mình làm gì. Vậy nghề tư vấn quản trị là gì? Tư vấn quản trị, là dịch vụ giúp các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành. Nói chung chung thì giống như là bác sĩ cho doanh nghiệp vậy đó. Tư vấn quản trị khá rộng và bao gồm nhiều mảng khác nhau như tư vấn chiến lược, tư vấn vận hành, tư vấn nhân sự.

Ưu thế khác biệt của tư vấn khi tiếp cận với doanh nghiệp là gì?
Con người: Đối với nghề tư vấn, con người là nguồn lực lớn nhất. Chi phí lương cho nhân viên chiếm đến 60% trong cấu trúc chi phí của một công ty tư vấn. Nhân sự của công ty tư vấn tạo ra doanh thu bằng cách trực tiếp thu phí “giờ làm việc” của họ với khách hàng. Do vậy, họ phải là những người thực sự có năng lực để chứng minh với khách hàng rằng số tiền không nhỏ khách hàng bỏ ra thực sự xứng đáng.
Thông tin: Các nguồn thông tin được tiếp cận, cách thức thu thập và xử lý thông tin cho tư vấn lợi thế rất lớn khi bắt mạch cũng như chữa bệnh cho doanh nghiệp.
Bí quyết: Không phải tất cả thông tin của tư vấn đều được ghi lại trong cơ sở dữ liệu hoặc các slide powerpoint. Việc thuyết phục một tổ chức là nghệ thuật nhiều hơn là khoa học và các đối tác tư vấn quản lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này với những bí kíp khác nhau. Danh tiếng/độ tin cậy: Những công ty tư vấn được doanh nghiệp lựa chọn phần nhiều do danh tiếng họ tạo dựng trong nhiều năm. Kết quả của dự án tư vấn thường cần một thời gian dài triển khai để thấy hiệu quả. Do vậy, khi doanh nghiệp trả hàng trăm triệu cho một dự án tư vấn, khó có thể nói rằng họ đã lãng phí số tiền đó.

Nghề tư vấn thực sự như thế nào?
Những dự án tư vấn quản trị thường kéo dài ít nhất vài tháng cho đến 1 hoặc 2 năm. Do vậy, hầu hết tư vấn chỉ thực hiện một vài dự án tại một thời điểm (đôi khi chỉ một dự án duy nhất, tùy thuộc vào quy mô của khách hàng) để họ thực sự có thể tập trung vào việc đáp ứng những nhu cầu của khách hàng. Khi bắt đầu một dự án, phần lớn thời gian tư vấn dành để tìm hiểu thông tin về hoạt động kinh doanh của khách hàng, bao gồm những cuộc phỏng vấn, trao đổi và thu thập tài liệu sẵn có. Với những chẩn đoán về doanh nghiệp thu được sau quá trình xử lý thông tin, tư vấn sẽ đề xuất những phương án và kế hoạch triển khai những hoạt động thay đổi phù hợp. Trong giai đoạn này, tư vấn sẽ là người đồng hành với doanh nghiệp, đưa ra những định hướng và hướng dẫn cụ thể.

Tiềm năng của ngành tư vấn quản trị tại Việt Nam
Mặc dù ở Việt Nam đã có sự xuất hiện của các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới như McKinsey và BCG, công việc tư vấn chiến lược vẫn chưa thật sự bùng nổ. Lý giải lớn nhất cho vấn đề này là vì các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa đạt đến độ chững để cần đến những dịch vụ và sự giúp đỡ mang tính chiến lược các công ty tư vấn có thể cung cấp. Các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn đa số là các doanh nghiệp lớn và các cơ quan tổ chức chính phủ. Tuy nhiên, trong 5 – 10 năm tới, khi các doanh nghiệp SMEs phát triển nhanh và mạnh, họ sẽ cần đưa ra những quyết định mang tính tầm cơ và đó là khi tư vấn vào cuộc.

Làm tư vấn – được gì và mất gì?

Làm tư vấn – nên hay không?
Để có thể đưa ra quyết định có nên chọn nghề tư vấn không, bạn cần cân nhắc đến những điều sau:
Nghề tư vấn thực sự không phải dành cho tất cả mọi người. Đây không phải là một công việc mà bạn đến công ty lúc 8 giờ sáng và ra về lúc 5 giờ chiều. Bạn sẽ có cảm giác mình luôn phải “mở máy” để phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Tư vấn là một nghề chú trọng kỹ năng mềm. Trong đó có hai kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng lắng nghe để biết câu hỏi cần đưa ra và sự cởi mở để đón nhận những quan điểm và góc nhìn khác nhau từ đồng nghiệp và khách hàng để đưa ra những giải pháp tư vấn phù hợp.
Ngoài ra, bạn cần phải rất kiên nhẫn bởi tư vấn là một nghề mang tính chất lặp lại, có thể về vấn đề của khách hàng, những tài liệu bạn cần thực hiện hoặc chỉ đơn giản là những buổi họp với nội dung giống nhau. Nhưng ngược lại, đây cũng là một nghề mà bạn phải tiếp xúc với những doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, với quy mô khác nhau, vấn đề và phong cách quản trị khác nhau nên bạn cũng cần cực kì linh hoạt để có thể đặt mình vào vị trí của khách hàng và đưa ra những giải pháp “may đo” cho họ.
Bạn sẽ phải đưa ra nhiều quyết định “đặt cược” mang tính rủi ro cao, do vậy bạn phải chuẩn bị trước tinh thần cho những lần vấp ngã.
Tư vấn là một công việc thú vị nhưng đòi hỏi ở bạn rất nhiều thời gian và công sức xây dựng nền tảng vững chắc bao gồm cả kiến thức đa ngành, kỹ năng và trải nghiệm để có thể thành công. Đây là một công việc thực sự “càng già càng có giá”, bạn hãy nhẫn nại rèn giũa, trau dồi những kĩ năng cần thiết, tiếp tục học hỏi và xây dựng các mối quan hệ bền vững để tiến xa và vững chắc hơn.

Tổng hợp và biên soạn bởi: Nguyễn Thanh Huyền

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *