Logic của Tư vấn Quản trị – Phần 1

Lý do nào khiến cho các lĩnh vực tư vấn phát triển như vũ bão trong khoảng 50 trở lại đây? Vì sao doanh nghiệp và các nhà quản lý thường tin tưởng tìm đến các công ty tư vấn độc lập để tìm kiếm những lời khuyên và lời giải cho những vấn đề họ đang gặp phải? MCG xin được giới thiệu tới những ai quan tâm tới lĩnh vực tư vấn hay những nhà quản lý vẫn còn đang băn khoăn với việc sử dụng dịch vụ tư vấn bài viết của Staffan Canback, một nhà tư vấn quản trị chuyên nghiệp với trên 30 năm kinh nghiệm làm việc trong đó có 10 năm gắn bó với McKinsey, công ty tư vấn hàng đầu thế giới. Bài viết sẽ giới thiệu đến người đọc quan điểm của tác giả về sự gia tăng của nhu cầu tư vấn quản trị và lợi ích cho các doanh nghiệp khi sử dụng các nhà tư vấn độc lập dưới góc nhìn học thuật.

Các nhà tư vấn và các doanh nghiệp vẫn thường tự hỏi tại sao ngành Tư vấn Quản trị lại phát triển nhanh như vậy trong hơn nửa thế kỉ qua. Rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp cùng có mối quan tâm giống nhau về sự phát triển bền vững của lĩnh vực này và liệu rằng cơ hội nghề nghiệp có còn rộng mở. Những người hoài nghi, ví dụ như O’Shea và Madigan (1997), lập luận rằng chúng ta đang sống trong một nền kinh tế mở và tự do, và nếu khách hàng không tìm được giá trị nào từ các dịch vụ tư vấn thì họ sẽ ngừng sử dụng những dịch vụ này.
Lý thuyết chi phí giao dịch (transaction cost theory) sẽ giúp chúng ta hiểu được rằng lý do cơ bản cho sự tồn tại của các nhà tư vấn quản trị và rằng ngành tư vấn còn hơn cả một trào lưu. Lý thuyết này cũng sẽ giúp làm sáng tỏ tương lai, trong điều kiện nào thì ngành tư vấn sẽ tiếp tục phát triển. Liệu doanh nghiệp có khả năng hoặc nên tự thực hiện vai trò mà các nhà tư vấn đảm nhiệm? Vấn đề này sẽ được thảo luận trong bài viết dưới đây, và kết luận với quan điểm rằng ngành tư vấn sẽ ngày càng phát triển và các nhà tư vấn quản trị bên độc lập sẽ tiếp tục gia tăng thị phần của mình trong thị trường “giải quyết vấn đề” cho các doanh nghiệp.

Lý thuyết chi phí giao dịch: Chi phí giao dịch gần như tồn tại trong hầu hết các giao dịch trong nền kinh tế. Có thể hiểu, đây là các hao phí về nguồn lực để đạt được một hoặc một vài mục tiêu cụ thể. Đây là chi phí cần thiết để có thể tiến hành trôi chảy các giao dịch. Ví dụ: chi phí tìm kiếm thông tin để ra quyết định, chi phí thương lượng, chi phí đảm bảo việc thực hiện hợp đồng, v.v. Lý thuyết này hướng đến việc giải thích tại sao doanh nghiệp thường hướng đến việc thuê ngoài (buy decision) thay vì việc tự thực hiện tất cả các phần công việc (make decision)”


Lý do cho sự tồn tại của Tư vấn Quản lý

Drucker, vào năm 1979, nói rằng: “Tư vấn Quản trị là một hiên tượng phi thường và độc nhất”. Ông lập luận rằng có hai lý do chính cho sự tồn tại của Tư vấn Quản trị. Thứ nhất, quản trị không phải là khoa học, cũng không phải nghệ thuật, đó là thực tiễn học được qua sự trải nghiệm và kinh nghiệm với nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Một cán bộ điển hình tại doanh nghiệp thường không có sự trải nghiệm này do anh ta làm việc với một công ty duy nhất hoặc cùng lắm là một vài công ty. Anh ta không có cơ hội trải nghiệm cơ man những vấn đề thiên biến vạn hóa mà doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau, hoàn cảnh khác nhau phải đối mặt. Ngược lại, giới tư vấn quản trị được tiếp xúc với rất nhiều các doanh nghiệp và có được sự trải nghiệm cần thiết. Thứ hai, Drucker quan sát thấy các doanh nghiệp luôn muốn có được cái nhìn khách quan đổi với các vấn đề quản trị của họ. Nghiên cứu của Gattiker và Larwood vào năm 1985 xác nhận rằng điều đầu tiên và quan trọng nhất là sự khách quan khi họ tìm tới những nhà tư vấn độc lập. Cả hai lập luận trên đều rất thuyết phục nhưng những lập luận này vấp phải sự phản đối do không gắn với bất kì lý thuyết cơ bản nào. Lý thuyết chi phí giao dịch đã đưa ra sự giải thích chặt chẽ và nhất quán cho Tư vấn Quản trị. Để có thể hiểu được sự phát triển của Tư vấn Quản trị trong mối tương quan với lý thuyết chi phí giao dịch, hai câu hỏi căn bản được đặt ra là:

  • Tại sao lại có sự gia tăng về nhu cầu cho các dịch vụ của các nhà tư vấn quản trị?
  • Tại sao nhu cầu này được đáp ứng tốt nhất bởi các nhà tư vấn độc lập (bên ngoài), những người không trực tiếp làm việc cho doanh nghiệp?

Nhu cầu cho các dịch vụ tư vấn quản trị

Greiner và Metzger (1983) định nghĩa các công việc của những nhà tư vấn quản trị: họ giúp giải quyết những vấn đề quản trị bằng cách đưa ra các lời khuyên một cách khách quan và độc lập. Tại sao các doanh nghiệp ngày nay lại có nhu cầu lớn hơn rất nhiều về các dịch vụ tư vấn so với nửa thế kỷ trước?

Câu trả lời được đưa ra bởi Wallis và North vào năm 1986, những người đã nghiên cứu về những thay đổi của nền kinh tế Hoa Kỳ từ năm 1870 đến 1970, bằng cách chia nhỏ Tổng sản phẩm Quốc Gia (GNP) thành chi phí sản xuất (production costs) và chi phí giao dịch (transaction costs). Họ tiếp tục chia nhỏ chi phí giao dịch thành chi phí giao dịch thị trường (market transaction costs) ví dụ như chi phí mua bán trên thị trường, và chi phí giao dịch nội bộ (bureaucratic/internal transaction costs) ví dụ như chi phí dành cho việc phối hợp các hoạt động trong một doanh nghiệp. Họ nhận thấy rằng chi phí giao dịch đã trở nên ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Họ ước lượng được chi phí giao dịch đã tăng từ 8% lên 45% của cả nền kinh tế trong khoảng thời gian từ năm 1870 đến 1970, với phần gia tăng mạnh nhất ở chi phí giao dịch nội bộ

Để hiểu được xu thế này thì cần phải hiểu cách cơ chế này hoạt động. Khi các công ty muốn giảm thiểu chi phí sản xuất bằng lợi thế kinh tế theo quy mô (economy of scale), thì họ bắt buộc phải chuyên môn hóa – đổi lại họ phải có sự hợp tác trong nội bộ. Nếu như chi phí giao dịch không tồn tại, công ty lớn nhất trên thị trường sẽ là công ty đạt lợi nhuận cao nhất khi mà sự phối hợp giữa các bộ phận chức năng có thể đạt được mà không tốn chút công sức nào. (Tuy nhiên trong thực tế điều này không xảy ra. Các công ty luôn phải huy động một phần đáng kể các nguồn lực của mình để có thể đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô. Đổi lại, năng suất gia tăng dẫn phần chi phí sản xuất được cắt giảm, phần cắt giảm này lại lớn hơn phân chi phí giao dịch nội bộ tăng thêm, từ đó phần giá trị gia tăng cho doanh nghiệp được tăng lên)

Cách đây 50 năm Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ phải quan tâm đếm việc làm cách nào để cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất, dự báo, xây dựng kế hoạch hay thậm chí cả quản lý tiền mặt. Ngày nay, chúng ta nói nhiều hơn về tầm nhìn, về chiến lược hay về tổ chức học hỏi (learning organization). Chúng ta cũng nhận ra rằng phần lớn giá trị của một doanh nghiệp không thể chỉ được đánh giá bằng cách xem báo cáo kết quả kinh doanh hay bảng cân đối kế toán khi mà phần lớn giá trị thị trường được gắn với những thứ rất trừu tượng như thương hiệu (brand image) hay vốn tri thức (intellectual capital).

Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu đối với những công việc sản xuất truyền thống giảm trong khi đó nhu cầu cho những công việc mang tính quản trị (white collar) gia tăng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của việc phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp, cũng như việc phối hợp trong các hình thức hợp tác phi truyền thống liên minh liên kết khác nhau giữa các doanh nghiệp.

Reich (1991) tin rằng việc biết sử dụng các mô hình phân tích (symbol manipulation), đối với các công việc mang tính quản trị, sẽ là hết sức cần thiết trong nền kinh tế hiện đại. Những chuyên gia phân tích mô hình (symbolic analyst) này tìm kiếm, giải quyết vấn đề bằng cách dùng các mô hình như mô hình năm áp lực cạnh tranh (five forces) hay chuỗi giá trị (value chain) của Porter. Do vậy, cùng với sự tăng trưởng của chi phí giao dịch trong cả nền kinh tế, nhu cầu về những chuyên gia có hiểu biết về cách sử dụng mô hình ngày càng tăng.

Bản chất của nhu cầu

Đầu tiên, chi phí giao dịch nội bộ xuất phát từ chi phí quản trị, và việc phân bố không đồng đều các nguồn lực trong doanh nghiệp. Các phương pháp quản trị để hạn chế những điều này có thể tìm thấy được ở một số lĩnh vực ví dụ như thiết kế tổ chức, lập kế hoạch chiến lược và quản trị. Thiết kế tổ chức có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí quản trị và động lực làm việc của nhân viên. Lập kế hoạch chiến lực giúp giảm thiểu việc phân bố không đồng đều các nguồn lực trong doanh nghiệp bằng cách tập trung nguồn lực vào các lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp. Sự lựa chọn các mô hình quản trị giúp tạo và duy trì động lực thông qua ưu đãi, cơ chế lương thưởng, giảm thiểu sự quan liêu và lãng phí trong công tác quản lý.

Thứ hai, chi phí giao dịch thị trường phát sinh từ việc định giá, đàm phán hợp đồng, hay những rủi ro về những sai lệch mang tính dài hạn do những yếu tố bất ngờ trong khi thực hiện hợp đồng. Để giảm thiểu những chi phí này, thứ mà các nhà quản trị cần nhất đó là thông tin. Nhu cầu về thông tin thị trường và thông tin cạnh tranh và nhu cầu cho việc tổng hợp, phân tích các thông tin này đang gia tăng một cách nhanh chóng trong vòng hơn 50 năm qua. Những dịch vụ như thế này ngày nay chủ yếu được thực hiện bởi các nhà tư vấn quản trị.

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *