Đo lường sự hài lòng và gắn kết của nhân viên – Hành động cấp thiết của nhà lãnh đạo

Nhận thức đầy đủ về mức độ hài lòng và gắn kết của người lao động là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của công ty. Thực hiện khảo sát đo lường sự hài lòng và gắn kết của nhân viên sẽ cho chủ doanh nghiệp những kết quả xác đáng để kịp thời điều chỉnh chính sách quản trị nhân sự.

Ngăn chặn “virus không hài lòng” trước khi chúng kịp phát tán!

Sự hài lòng và gắn kết của người lao động, không cần phải bàn cãi, có tác động đáng kể đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ít hài lòng thì ít cống hiến, kém sáng tạo, hiệu quả công việc thấp. Tệ hơn nữa là mang “virus không hài lòng” lan truyền trong nội bộ doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực tới nhân viên khác. Những nhân viên không hài lòng, trong một số trường hợp, có thể là sứ giả đưa tin xấu cho khách hàng, đối tác của Công ty. Do vậy, kiểm soát và kịp thời tác động đến sự hài lòng và gắn kết của người lao động là một việc mà lãnh đạo các Doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp đều cho rằng hài lòng và gắn kết là một yếu tố cảm tính, rất khó đo lường. Và “cái gì không đo được thì không hiểu được, không hiểu được thì không kiểm soát được, không kiểm soát được thì không cải thiện được”. Hành động của họ đối với vấn đề này là… bỏ qua. Nhưng thực tế thì hài lòng và sự gắn kết là yếu tố có thể đo lường, lượng hóa được. Việc đo lường được thực hiện dưới hình thức khảo sát trực tiếp cán bộ nhân viên (CBNV) với các câu hỏi khoa học, có độ tin cậy và chính xác cao. Kết quả khảo sát sẽ là những chỉ dẫn xác đáng để nhà lãnh đạo có được những đối sách kịp thời để tăng cường sự hài lòng, gắn kết của nhân viên và tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

anh2

Nhân viên hài lòng và muốn gắn kết với môi trường làm việc sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và chủ động, giúp nâng cao hiệu suất lao động.

Khảo sát thực tế nhằm đo lường sự hài lòng và gắn kết của nhân viên

Nhờ sự phát triển của công nghệ, hoạt động khảo sát sự hài lòng, gắn kết đã được thực hiện dễ dàng hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam hiện có khá nhiều đơn vị tư vấn quản trị đã cung cấp giải pháp trọn gói cho hoạt động khảo sát sự hài lòng và gắn kết; từ thiết kế câu hỏi, khởi tạo platform cho khảo sát trực tuyến, đến phân tích dữ liệu, xây dựng báo cáo và đưa ra khuyến nghị.

Vì nguồn lực doanh nghiệp là có hạn, sẽ rất khó để làm hài lòng người lao động trên mọi phương diện. Một báo cáo khảo sát tốt sẽ chỉ rõ cho doanh nghiệp những yếu tố cần phải ưu tiên cải thiện vì nó có tác động lớn đến mức độ gắn kết của người lao động với Công ty, và cả những yếu tố mà doanh nghiệp chỉ cần duy trì như mức độ hiện tại.

Để có được một báo cáo khảo sát hoàn hảo, đơn vị tư vấn sẽ phải dựa trên “nguyên liệu” là những câu hỏi khảo sát chặt chẽ, logic tuyệt đối. Mẫu câu hỏi khảo sát được xây dựng trên nguyên tắc: “Cam kết 3S + Hài lòng 7S” là một trong các giải pháp mà doanh nghiệp nên tham khảo.

Cam kết 3S + Hài lòng 7S

Khung đánh giá mức độ cam kết gắn bó với Công ty của nhân viên được thể hiện qua cách người đó nói về Công ty (Say), về các nỗ lực hoàn thiện bản thân và động lực làm việc của họ tại Công ty (Strive) và mong muốn được tiếp tục làm việc tại Công ty (Stay). Mức độ gắn kết, tự bản thân nó sẽ lại bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. 7 nhóm yếu tố theo mô hình 7S của McKinsey, với triết lý là để thành công doanh nghiệp phải đạt được sự dung hòa của 7 yếu tố nội tại như trình bày dưới đây.

mo-hinh-7s

Mô hình nghiên cứu về tính hiệu quả của tổ chức đến từ McKinsey

Chiến lược (Strategy): Mức độ gắn kết và đóng góp của CBNV tăng lên khi CBNV được chia sẻ về chiến lược phát triển của tổ chức, các thành viên của tổ chức có sự đồng thuận đối với các nhận định về điểm mạnh, điểm hạn chế của tổ chức. Khảo sát sự hài lòng và gắn kết cũng là kênh truyền thông về chiến lược phát triển đối với người lao động.

Cơ cấu tổ chức (Structure): Mức độ gắn kết của một cá nhân với tổ chức cũng bị ảnh hưởng bởi cách thức mà tổ chức đó bố trí phân công nhiệm vụ cho các cá nhân, bộ phận trong tổ chức. Sự cam kết và gắn bó sẽ bị bào mòn nếu cá nhân không biết rõ và không chắc chắn đâu là chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình khi thực thi công việc. Và người lao động cũng không thực sự thoải mái trong một môi trường làm việc mà khi phải phối hợp giải quyết một công việc nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ chính của mình thì họ không biết phải tìm gặp ai? Ở bộ phận nào?

Hệ thống (Systems): Tình trạng nhân viên không hài lòng với hệ thống trang thiết bị làm việc, hệ thống phần mềm, hệ thống các thủ tục quy trình, quy định được xem là một trong các nguyên nhân khiến họ “nhảy việc”. Khảo sát sự hài lòng và gắn kết, do vậy cũng quan tâm đến nội dung này. Thông tin thu được sau khảo sát sẽ là khuyến nghị (nếu có) cho tổ chức về việc đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị, quy trình.

Kỹ năng (Skills): Việc người lao động được bố trí thực hiện những công việc phù hợp với năng lực, sở trường sẽ góp phần không nhỏ vào việc gia tăng sự yêu thích, niềm vui với công việc và tác động đến sự gắn kết. Các câu hỏi để CBNV chia sẻ về việc họ có được bố trí làm các công việc phù hợp với năng lực hay không là để tìm ra câu trả lời cho nội dung này. Về phía người lao động, sự nỗ lực của họ trong hoàn thiện các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc chính là biểu hiện tích cực của sự cam kết với Công ty.

Nhân sự (Staff): Các chính sách nhân sự chính là những yếu tố, được xem là tạo ra tác động trực tiếp và tức thì đến mức độ hài lòng và sự gắn kết của người lao động. Các chính sách nhân sự được thể hiện qua việc người lao động có cảm nhận được sự rõ ràng, sự công bằng trong việc thực thi các vấn đề liên quan đến tiền lương, tiền thưởng. Cùng với sự minh bạch, công bằng thì tiền lương cần phải tương xứng với nỗ lực và cạnh tranh với thị trường.

Bên cạnh các chính sách vật chất thì các chương trình đào tạo nâng cao năng lực, các chương trình quản lý sự nghiệp, hỗ trợ người lao động vạch ra một lộ trình sự nghiệp rõ ràng tại tổ chức cũng là yếu tố quan trọng giúp tổ chức lưu giữ và phát triển những nhân sự có năng lực, hoài bão.

Phong cách của người lãnh đạo, quản lý (Style): Cách thức người lãnh đạo, người quản lý trực tiếp tương tác với CBNV được chứng minh là tạo ra một sự tác động không nhỏ vào hiệu quả công việc cũng như sự hài lòng của CBNV đối với tổ chức. Hoạt động khảo sát sự hài lòng và gắn kết của CBNV sẽ dành những câu hỏi để CBNV chia sẻ cảm nghĩ của mình đối với quản lý, lãnh đạo trực tiếp. Kết quả thu được sau khảo sát sẽ là một gợi ý đối với các cán bộ quản lý, lãnh đạo tổ chức trong việc điều chỉnh phong cách quản lý của mình.

Văn hoá Công ty (Shared Value): Các thành viên trong tổ chức gắn kết và chia sẻ với nhau những giá trị chung. Các tổ chức có những thành tựu vượt bậc, có sự phát triển nhanh và bền vững đều là các tổ chức mà các thành viên thấu hiểu và tự hào về các giá trị chung của mình. Ban lãnh đạo tổ chức cần có được thông tin về cảm nhận của CBNV về văn hóa và các giá trị chung của tổ chức để có thể có các chương trình hành động để phát triển, củng cố văn hóa của tổ chức, góp phần tăng cường sự tự hào và gắn kết của CBNV với tổ chức.

Bài viết cũng xin chia sẻ một số câu hỏi thường được sử dụng trong hoạt động khảo sát sự hài lòng và gắn kết của nhân viên.

Nói về Công ty – Say

  • Tôi luôn thấy vui và tự hào khi nói với bạn bè, người thân về công việc của mình tại Công ty.
  • Tôi gần như chưa bao giờ có ý định tìm kiếm một nơi làm việc khác.

Nỗ lực vì Công ty – Strive

  • Công ty tạo cho tôi cảm hứng làm việc, mỗi ngày tôi đều luôn nỗ lực làm tốt nhất công việc của mình.
  • Trong công việc tại Công ty, thay vì chỉ làm những việc được yêu cầu, tôi luôn cố gắng làm tốt hơn để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Công ty.

Sẽ ở lại Công ty – Stay

  • Khi Công ty có nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới, tôi luôn chia sẻ thông tin đó với bạn, bè người thân để họ có thể ứng tuyển vào Công ty.
  • Tôi rất gắn bó với Công ty, chỉ khi nào Công ty nói không cần tôi nữa thì tôi mới nghĩ đến việc rời bỏ Công ty.

Chiến lược – Strategy

  • Theo Anh/Chị, 3 trong số 10 yếu tố nào dưới đây được xem là quan trọng nhất tạo nên vị thế của Công ty hiện nay. (Mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn 10 yếu tố phù hợp).
  • Tôi được Ban lãnh đạo chia sẻ về định hướng, chiến lược phát triển của Công ty.

Tổ chức – Structure

  • Tôi nắm rõ những công việc cụ thể mình cần phải làm tại Công ty.
  • Tôi nắm rõ tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Phòng/Ban nơi tôi đang làm việc.
  • Khi cần phối hợp với các Phòng/ Ban khác trong Công ty tôi biết rõ phải liên hệ với ai hoặc bộ phận nào.

Hệ thống – System

  • Tôi được cung cấp đầy đủ công cụ và thiết bị để hoàn thành tốt công việc.
  • Tôi được làm việc trong một môi trường vệ sinh sạch sẽ.
  • Tôi cảm thấy các quy trình, quy định của Công ty quá rườm rà, phức tạp.
  • Tôi thấy hệ thống phần mềm của Công ty rất khó sử dụng và không mang lại hiệu quả.

Nhân sự – Staff

  • Các đồng nghiệp trong bộ phận hợp tác tốt với tôi.
  • Tôi nhận được sự hỗ trợ và hợp tác đầy đủ của các Phòng/Ban liên quan khác khi cần.
  • Tôi được trả lương tương ứng với năng lực và sự đóng góp của tôi với Công ty.

Kỹ năng – Skills

  • Tôi có cơ hội để nghiên cứu và áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới trong công việc.
  • Công việc hiện tại phù hợp với năng lực của tôi.
  • Tôi có cơ hội học tập và phát triển bản thân khi làm việc tại Công ty.

Phong cách lãnh đạo – Style

  • Quản lý trực tiếp của tôi đánh giá đúng và ghi nhận kịp thời những đóng góp của tôi.
  • Quản lý trực tiếp của tôi luôn giúp đỡ và hướng dẫn tôi trong công việc.
  • Tôi có thể thoải mái trao đổi về công việc, về nguyện vọng cá nhân với cán bộ quản lý của mình.

Share Value – Văn hóa Công ty

  • Tôi cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với đồng nghiệp.
  • Tôi được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá và ghi nhận.
  • Tôi rất thích các hoạt động phong trào của Công ty.

 

Tác giả bài viết

Thạc sỹ Ngô Minh Anh

Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp

Công ty Tư vấn Quản lý MCG

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *