Chữ “tình” trong văn hóa doanh nghiệp và câu chuyện giữ chân nhân tài

Chiêu mộ được nhân tài là thành công của nhà lãnh đạo. Nhưng giữ chân nhân tài và làm cho họ cống hiến hết khả năng mới là đỉnh cao của quản trị nguồn nhân lực.

3 cách chiêu mộ nhân tài

Năm 2015 là một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, khi gần 81.000 doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Con số này tăng mạnh ở mức 19% so với năm 2014. Tình hình kinh tế suy giảm khiến không ít doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, thị trường nhân sự cấp cao chỉ chao đảo trong một thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng phục hồi. Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, vai trò quan trọng của nhân tài càng được khẳng định. Họ chính là một trong những nhân tố quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp.

Trong chiến lược hội nhập của nhiều doanh nghiệp hiện nay, vấn đề xây dựng mức lương đủ sức hấp dẫn để có thể thu hút được nhân tài là một yếu tố rất quan trọng. Có ba cách trả lương được các doanh nghiệp thường nêu ra khi “rao” tuyển nhân tài: thứ nhất là đưa ra mức lương “cứng” rất cao; thứ hai là tăng thưởng cuối năm lên cao, tùy thuộc kết quả kinh doanh – có thể cao gấp hàng chục lần so với lương “cứng”; thứ ba là chia lợi tức bằng cổ phần trong công ty để tăng mối gắn kết trách nhiệm – lợi nhuận giữa công ty và người lao động.

Như vậy, công ty có thể dùng “tiền” để chiêu mộ nhân tài. Nhưng không thể dùng tiền để giữ chân họ. Thực tế, hiện nay tình trạng lao động giỏi “nhảy cóc”, luôn thay đổi chỗ làm, mặc dù nơi làm cũ đã có thu nhập khá cao, đang là hiện tượng khá phổ biến. Từ thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã rút ra một kinh nghiệm: khi đã “nắm” nhân tài trong tay, chỉ với mức lương (hoặc thu nhập) cao thì chưa đủ (bởi có những nơi sẵn sàng trả cao hơn), mà phải biết giữ họ bằng “tình”.

nhan-tai

Chữ “tình” trong văn hóa doanh nghiệp

Môi trường làm việc thân thiện, tạo cơ hội cho nhân viên thăng tiến, xây dựng một bầu không khí ấm cúng như trong gia đình… là yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ nhân tài. Sự quan tâm, chia sẻ của chủ doanh nghiệp với các cộng sự luôn có tác động tâm lý rất tốt. Từ những chuyện nhỏ như món quà ngày sinh nhật, lời thăm hỏi khi gia đình có chuyện buồn, những tâm sự chân thành khi gặp khó khăn, cho đến những “chuyện lớn” như vấn đề nhà cửa, phương tiện đi lại, chuyện học hành của con cái… đều mang lại những hiệu quả bất ngờ.

Một cách mà nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng để giữ chân nhân tài, đó là doanh nghiệp đứng ra lo nhà ở cho người lao động. Một công ty thương mại – dịch vụ ở Bình Chánh áp dụng chính sách cho những cộng sự làm việc trên 15 năm là được vay tiền mua nhà trả góp trong 20 năm không tính lãi suất, còn với những người có thâm niên trên 20 năm được tặng một căn hộ chung cư. Còn một doanh nghiệp may ở quận 10 (TP.HCM) thì đứng ra mua nhà cho những nhân sự quản lý và kỹ thuật gắn bó với doanh nghiệp từ 12 năm trở lên, mỗi căn trị giá hàng tỷ đồng. Ngay giữa lúc phải đối phó với khủng hoảng kinh tế, không ít doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần, luôn dành sự quan tâm đối với người lao động. Các chuyên gia thị trường lao động đánh giá rằng, những doanh nghiệp này sẽ có cơ hội phục hồi sau khủng hoảng nhanh nhất, bởi họ vẫn nắm trong tay những “bửu bối”, đó là những cộng sự vừa có tài, vừa trung thành, tận tụy.

Chữ “tình” trong ứng xử giữa chủ doanh nghiệp với người lao động đã được nhiều doanh nghiệp nâng lên thành văn hóa doanh nghiệp.

Bài viết có tham khảo tư liệu từ Doanh nhân Sài Gòn

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *