MCG hỗ trợ Bộ Xây dựng và UNDP xây dựng Lộ trình và Kế hoạch hành động thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá, đặc biệt sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự cạn kiệt năng lượng nhiên liệu, sự gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của Hội đồng Doang nghiệp Thế giới vì Phát triển bền vững (World Business Council for Sustainable Development-WBCSD), năng lượng sử dụng trong các toà nhà chiếm đến 40% tổng năng lượng lượng sử dụng trên toàn thế giới và chiếm 30% lượng phát thải khí CO2. Tốc độ đô thị hoá dự kiến sẽ tăng 45% vào năm 2020, kéo theo sự gia tăng nhu cầu năng lượng trong ngành xây dựng.

Trước những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp bền vững, cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh, Luật Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành xây dựng, cụ thể là Quyết định số 811/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 18/08/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành xây dựng giai đoạn 2016 – 2020; Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD) và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành xây dựng. Theo đó, Vụ Khoa học Công Nghệ và Môi trường, Bộ xây dựng đã hợp tác cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (United Nations Development Program-UNDP) thực hiện Dự án “Cải thiện hiệu quả năng lượng trong các toà nhà thương mại và chung cư nhà ở cao tầng ở Việt Nam” (Dự án EECB), được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (Global Environment Fund-GEF). Mục tiêu của dự án là giảm thiểu mức độ phát thải khí nhà kính các công trình xây dựng, đồng thời, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các toà thương mại và chung cư cao tầng ở Việt Nam.

Công trình Xanh Ecolife Capitol tại Hà Nội, Việt Nam (Nguồn: www.edgebuildings.com)

Để đạt được mục tiêu này, dự án sẽ được triển khai với ba cấu phần: (i) Sửa đổi và thực thi Quy chuẩn về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả; (ii) Sáng kiến hỗ trợ phát triển thị trường xây dựng, và (iii) Ứng dụng và nhân rộng công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình xây dựng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng; từ đó, xây dựng một hành lang pháp lý để áp dụng và quản lý hiệu quả năng lượng trong các toà nhà. Chuyên gia tư vấn của Công ty Tư vấn Quản lý MCG (MCG) được giao nhiệm vụ hỗ trợ Ban quản lý dự án của EECB để xây dựng một lộ trình và kế hoạch hành động thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong khuôn khổ dự án, chuyên gia tư vấn sẽ hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ sau:

  • Rà soát và phân tích các lộ trình và kế hoạch hành động sẵn có của các quốc gia ASEAN và các bộ, ban ngành liên quan về khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành xây dựng;
  • Xây dựng chương trình làm việc chi tiết để tham vấn các bên liên quan (Bộ Xây dựng, các nhà tài trợ, chủ dự án xây dựng, doanh nghiệp bất động sản, công ty xây dựng và thiết kế/thi công, các nhà cung cấp thiết bị và vật tư, cùng các đơn vị liên quan khác);
  • Rà soát và phân tích bối cảnh pháp lý và hành chính hiện tại của Việt Nam;
  • Rà soát và phân tích ngành xây dựng quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả;
  • Xác định và tổng hợp những thách thức, cơ hội để phát triển năng lượng hiệu quả trong ngành xây dựng;
  • Xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động cho giai đoạn 2018 – 2030;
  • Chuẩn bị tài liệu trình bày và mẫu phản hồi cho hội thảo tham vấn; và
  • Tổng hợp tất cả các ý kiến, phản hồi từ hội thảo và hoàn thiện bản lộ trình và kế hoạch hành động cho năm 2018 – 2030.
Tổ chức Tài chính Môi trường Toàn cầu của Chương trình Liên hợp quốc (UNDP-GEF) đang hợp tác với các quỹ môi trường để hỗ trợ các quốc gia trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, giảm thiểu sự bất bình đẳng thông qua việc xúc tiến tài chính môi trường cho phát triển bền vững. UNDP-GEF cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình cho các quốc gia trong các lĩnh vực: quản lý bền vững hệ sinh thái; tăng cường thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; dịch vụ năng lượng bền vững, phù hợp và có thể tiếp cận được; quản lý bền vững hoá chất và chất thải; cải thiện quản lý nguồn nước và đại dương.

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *