VCCI vừa phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương công bố sổ tay “Cải cách quy trình thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng”. Điều đáng nói, chỉ “liếc” sơ đã thấy nhà đầu tư đang chết dở vì “ma trận” thủ tục.
những thay đổi và điều chỉnh phù hợp trong quy định có liên quan
Các chuyên gia nghiên cứu khẳng định: đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng vẫn còn phức tạp và kéo dài. Không ít trường hợp nhà đầu tư mất nhiều năm để hoàn thành các quy trình thủ tục làm lãng phí thời gian, tiền bạc…
Chặng đường gian nan
Theo bà Phạm Ngọc Linh – Giám đốc Cty MCG, đơn vị tư vấn của IFC cho rằng, DN tiếp cận các thủ tục đầu tư, xây dựng đất đai phải trải qua các thủ tục hành chính như một ma trận. Bà Linh lấy ví dụ, ở Bắc Ninh năm 2008 từ khâu khảo sát địa điểm đến khâu cấp phép xây dựng trải qua 9 bước làm thủ tục, Bà Rịa – Vũng Tàu từ năm 2007 – nay vẫn giữ nguyên mô hình 8 khâu gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án đầu tư vào khu vực chưa có quy hoạch); thỏa thuận địa điểm đầu tư hoặc lập bản vẽ sơ đồ địa điểm đầu tư; thẩm định và phê duyệt quy hoạch công trình xây dựng tỷ lệ 1/500; thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; đăng ký đầu tư, thẩm tra dự án đầu tư; giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (đã giải phóng mặt bằng); thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; cấp phép xây dựng. Theo một nhà đầu tư, kết thúc 9 quy trình, họ đã phải chuẩn bị và nộp 62 loại hồ sơ cho các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, có 63% hồ sơ phải chuẩn bị mới, 26% bị trùng lặp (có hồ sơ phải nộp lặp lại đến 4 lần) và 11% hồ sơ là kết quả của thủ tục hành chính đã hoàn thành trước đó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, quy trình đăng ký đầu tư và đất đai, xây dựng tại một số địa phương rất phức tạp. Ví dụ, DN đi đến một sở xin cấp giấy phép xây dựng thì lên trên sở họ lại yêu cầu dăm bảy loại giấy phép từ các sở khác để cung cấp cho sở này. Rõ ràng, trong từng quy trình của thủ tục hành chính có nhiều ngã rẽ, trong những ngã rẽ đó lại rẽ sang nhiều nhánh nhỏ. Và chính sự rối rắm đó phát sinh ra nhiều tiêu cực.
Không những vậy, bà Phạm Ngọc Linh còn cho biết, để thực hiện các thủ tục này, họ phải trải qua hàng chục quy trình thủ tục hành chính và phải làm việc với chính quyền từ trung ương tới địa phương cùng các cơ quan chức năng. Nhà đầu tư tìm đất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế còn phải trải qua quá trình giải phóng mặt bằng nên thời gian triển khai dự án dễ có nguy cơ bị trì hoãn. Với những trở ngại đó, nhà đầu tư tốn kém nhiều thời gian trong việc phải đi lại nhiều lần đến các cơ quan nhà nước có liên quan để hoàn tất thủ tục. Thời gian hoàn tất thủ tục thường kéo dài nhiều khi làm họ nản lòng hoặc lỡ mất cơ hội kinh doanh.
Nguyên nhân từ đâu ?
Sổ tay cũng lý giải nguyên nhân của hành trình gian nan này. Theo đó, nguyên nhân chính là sự thiếu thống nhất trong văn bản pháp luật dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa các địa phương. Không những thế điều này khiến các cơ quan nhà nước và DN đều lúng túng trong việc xác định trình tự và thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng có liên quan. Đơn cử như việc xác định đâu là cơ quan chủ trì trong việc giới thiệu địa điểm đầu tư sẽ được lý giải khác nhau nếu áp dụng luật khác nhau: Luật Quy hoạch đô thị thì do cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị; Căn cứ vào Luật Đất đai, cơ quan đầu mối là cơ quan tiếp nhận giao đất và cho thuê đất. Chưa hết, nếu căn cứ vào Nghị định 69/2009 về quy hoạch sử dụng đất thì cơ quan đầu mối là cơ quan tiếp nhận hồ sơ về đầu tư. Mà áp dụng văn bản pháp luật nào cũng… không sai. Chính vì vậy, theo thống kê tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (www.thutuchanhchinh.vn), tại 12 tỉnh thủ tục này do Sở KHĐT – cơ quan quản lý về đầu tư thực hiện; 7 tỉnh do Sở TNMT – cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường thực hiện; và 22 tỉnh do Sở Xây dựng – cơ quan quản lý về quy hoạch xây dựng thực hiện; ở một số tỉnh, Sở KHĐT và Sở XD đều có thể là cơ quan đầu mối.
Sự không rõ ràng trong quy định của pháp luật dẫn đến sự khác nhau trong việc phân nhiệm của từng địa phương. Hơn nữa, mặc dù thủ tục này tồn tại ở toàn quốc song không được VBQPPL hướng dẫn thực hiện như một thủ tục hành chính thống nhất dẫn đến việc các địa phương ban hành hướng dẫn thực hiện và yêu cầu khác nhau. Chính vì thế, theo sổ tay, thời gian bình quân để cấp giấy phép xây dựng cho nhà đầu tư là 295 ngày, tức là gấp 10 lần tiêu chuẩn 30 ngày đề ra năm 2001.Gần ¼ số giấy phép mất ít nhất một năm trở lên mới cấp xong, hơn một nửa (59%) mất hơn 6 tháng. Chỉ có 17% số trường hợp là mất dưới 2 tháng.
Với thực trạng này, ông Nguyễn Đình Cung – Phó viện trưởng CIEM nhận định: Số lượng giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng… sẽ tỉ lệ thuận với tốc độ gia tăng đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất của DN. Do đó, quy trình thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng rõ ràng, cụ thể, minh bạch, công bằng và dự liệu trước được luôn là điều kiện quan trọng khuyến khích và hỗ trợ phát triển DN nói riêng, phát triển kinh tế địa phương và quốc gia nói chung.