Trước quy định mới về lao động và tiền lương đóng BHXH, các DN cần làm gì?

(NDH) Chi trả tiền lương, tiền thưởng sao cho vẫn duy trì được mức lợi nhuận vốn mỏng manh nhưng lại vẫn đủ cạnh tranh để thu hút và giữ người luôn là vấn đề đau đầu với chủ các doanh nghiệp.

nmaBà Ngô Minh Anh,Giám đốc Khối Tư vấn doanh nghiệp – Công ty Tư vấn Quản lý MCG

Vào những ngày đầu năm 2016, cận tết Bính Thân này khi quy định mới về BHXH có hiệu lực thì câu chuyện tiền lương, tiền thưởng lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. NDH đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với bà Ngô Minh Anh, Giám đốc Khối Tư vấn doanh nghiệp – Công ty Tư vấn Quản lý MCG, Đơn vị đã tư vấn xây dựng chính sách lương thưởng cho hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chào bà, là một chuyên gia tư vấn bà đánh giá thế nào về tác động của các quy định về đóng BHXH đối với doanh nghiệp, NLĐ và doanh nghiệp nên hành xử như thế nào?

Về lý thuyết thì tôi nghĩ là nó đang có tác động tích cực vì đây là một trong những chính sách được đề cập, thảo luận nhiều nhất trong những ngày qua. Và khi được nhiều người nói tới thì nó đã tác động vào ý thức của giới chủ doanh nghiệp cũng như NLĐ về việc đầu tư cho tương lai. Về mặt thực tế thì nó đang không được cả Doanh nghiệp và NLĐ chào đón. Nhưng doanh nghiệp cần hiểu một nguyên tắc có tính then chốt trong quy định của pháp luật đó là tiền lương là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp và NLĐ. Doanh nghiệp được quyền tự chủ trong việc xác định cách thức trả lương cho NLĐ.

Dựa trên các quy định của pháp luật về tiền lương, phụ cấp, các khoản bổ sung và tiền thưởng Doanh nghiệp có thể chủ động tái cấu trúc hệ thống tiền lương và thống nhất với tập thể NLĐ để đảm bảo có sự hài hòa giữa quyền lợi của NLĐ và quyền lợi của doanh nghiệp.

Để tái cấu trúc tiền lương được thực hiện hiệu quả và đúng pháp luật doanh nghiệp cần làm thế nào?

Tiền lương là một khoản đầu tư và cũng là một khoản chi phí. Khi tái cấu trúc tiền lương, Doanh nghiệp cần bắt đầu từ kế hoạch kinh doanh. Dựa trên KHKD, xác định tổng số tiền chi cho tiền lương và các khoản liên quan đến lương. Với quỹ lương khả dụng, Doanh nghiệp tính toán đâu là các khoản tiền lương, phụ cấp có tính chất cố định, có thể xác định được ngay tại giai đoạn đầu vào khi ký HĐLĐ với NLĐ. Khoản này sẽ được xem như một khoản đầu tư của Doanh nghiệp cho NLĐ. Dù kết quả kinh doanh có như thế nào thì NLĐ vẫn nhận được số tiền này và đây cũng chính là số tiền làm cơ sở đóng BHXH.

Bên cạnh đó, NLĐ sẽ được nhận các khoản bổ sung và tiền thưởng. Điều này cũng cần phải quy định rõ trong chính sách tiền lương của Công ty. Nguyên tắc 3P là trả theo mức độ quan trọng của vị trí công việc (Position); theo năng lực của NLĐ (People) và; theo KQCV (Performance) là một nguyên tắc trả lương nên tham khảo. Theo hướng dễ hiểu hơn thì các khoản bổ sung cho NLĐ nên được tiếp cận theo hướng lương khoán với các hình thức: (i) Khoán sản phẩm cho NLĐ trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. (ii) Khoán doanh thu cho NLĐ trực tiếp kinh doanh; và (iii) Khóan công việc cho NLĐ đảm nhiệm các vị trí hỗ trợ, gián tiếp.

Doanh nghiệp cũng cần quy hoạch lộ trình điều chỉnh tổng quỹ lương để sẵn sàng cho việc đóng BHXH trên lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Nhưng biết đâu từ nay đến khi đó, sau khi lắng nghe các ý kiến phản biện của doanh nghiệp, NLĐ và các chuyên gia thì các nhà làm luật sẽ nghĩ lại.

Nhưng liệu tái cấu trúc tiền lương có thể bị coi là giải pháp đối phó và có thể coi là một giải pháp lách luật không?

MCG đã tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp về quy chế tiền lương và khi đó dù chưa có quy định mới về mức lương đóng BHXH, chúng tôi đã cùng doanh nghiệp xây dựng nguyên tắc đóng BHXH và chi trả lương đảm bảo sự hài hòa giữa chi phí tiến lương của Doanh nghiệp, thu nhập trước mắt của NLĐ và thu nhập khi nghỉ hưởng chế độ BHXH như thai sản, hưu trí. Do vậy, đây không hề là giải pháp tình huống để lách luật.

Nhưng nói thêm về vấn đề lách luật thì cá nhân tôi cho rằng lách luật là bước tiến cao của việc làm đúng luật nhằm thoát ra rào cản của pháp luật một cách hợp pháp. Nếu tái cấu trúc tiền lương là lách luật thì việc đa số các doanh nghiệp và NLĐ bắt tay để lách luật thì đây cần được xem là tín hiệu để các nhà làm luật rằng luật đưa ra chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, cần xem xét điều chỉnh.

Cảm ơn bà !

Nguồn: Thanh Tâm – Người Đồng Hành

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published.