10 yếu tố tiên quyết kiến tạo nên văn hóa doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cả một quá trình kéo dài nhiều năm, đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để tạo nên một kế hoạch hành động hoàn chỉnh, thống nhất. Các chuyên gia hàng đầu về tư vấn quản lý đã đúc kết được 10 yếu tố tiên quyết kiến tạo nên văn hóa doanh nghiệp, viết tắt là 10C. Học viện Phát triển Nguồn nhân lực xin gửi tới bạn đọc bài viết “10 yếu tố tiên quyết kiến tạo nên văn hóa doanh nghiệp”.

  1. Core Value (Giá trị cốt lõi)

Nhiều công ty đã phạm phải sai lầm khi viết ra sứ mệnh, phương châm hoạt động quá “hoành tráng”, trong khi bước đi hàng ngày lại không thực sự liên quan đến sứ mệnh. Cũng có nhiều người suy nghĩ đơn giản rằng chỉ cần viết ra slogan hay một cụm từ phản ánh thành công lớn nhất của doanh nghiệp là xong.

Về bản chất, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chính là chiếc la bàn định hướng hành động, đồng thời giúp các nhân viên có cách ứng xử thống nhất, chuẩn mực trong mọi tình huống. Vì thế, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nhất thiết phải nằm trong nội dung đào tạo nhân viên ngay từ khi mới tuyển dụng xong và phải được truyền bá trong các tình huống khác nhau. Chẳng hạn, trong các buổi họp đội, nhóm, bộ phận nhân sự nên bắt đầu bằng những nội dung về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, kể ra những mẩu chuyện nhỏ cho thấy nhân viên đã nắm vững điều đó và thể hiện nó ra sao trong công việc hàng ngày.

  1. Camaraderie (Sự thân thiết)

Sức mạnh từ gắn kết đội ngũ, tinh thần đoàn kết giữa các nhân viên luôn được đánh giá cao trong mỗi doanh nghiệp. Ngoài hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ, nhân viên còn được khuyến khích tìm hiểu về tính cách, sở thích, hoàn cảnh của đồng nghiệp để thấu hiểu nhằm làm việc ăn khớp với nhau hơn.

Bộ phận nhân sự nên cố gắng tổ chức những buổi tiệc ngoài trời, tiệc cuối năm, ngày hội gia đình, liên hoan ca nhạc, ngày kỉ niệm sự kiện lớn của doanh nghiệp,… để tạo điều kiện cho mọi người giao lưu làm quen, trò chuyện với nhau.

640_learnfromothers

  1. Celebrate (Công nhận thành tích và khen thưởng)

“Một vạn tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Những lời khen ngợi, biểu dương, công nhận thành tích đúng lúc luôn có sức nặng hơn bình thường. Nhân viên sẽ vui mừng khi được lãnh đạo đánh giá cao và niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội khi cả tập thể đều khâm phục một thành tích xuất sắc nào đó. Hàng quý, lãnh đạo doanh nghiệp nên tổ chức họp để bình chọn ra những cá nhân xuất sắc trong việc thực hiện giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để trao thưởng xứng đáng. Việc trao thưởng được tổ chức với sự tham gia của đông đảo nhân viên, nên được truyền thông rộng rãi trong nội bộ công ty, website doanh nghiệp,…

  1. Community (Quan hệ với cộng đồng)

Mối quan hệ giữa các nhân viên với nhau tạo nên mạng lưới cồng đồng trong doanh nghiệp. Mạng lưới này chính là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự bền chắc của văn hóa doanh nghiệp. Càng nhiều buổi sinh hoạt tập thể hay các hoạt động dã ngoại, thiện nguyện,… sẽ giúp nhân viên kết nối bền chặt và nhanh chóng hơn.

  1. Communication (Truyền đạt thông tin)

Hiệu quả công việc chỉ có thể đạt tới tối đa khi quá trình truyền tải thông tin giữa các phòng ban thông suốt với nhau. Cần khuyến khích việc giao tiếp và chia sẻ thông tin thường xuyên giữa ban lãnh đạo tới nhân viên. Các cuộc họp toàn thể doanh nghiệp hàng quý sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn hoạt động của doanh nghiệp và cảm nhận được tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các bộ phận và giữa đồng nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo nên tạo điều kiện cho nhân viên nêu lên những thắc mắc và nguyện vọng cá nhân thông qua các bài khảo sát, nhằm giúp nhân viên toàn tâm toàn lực hơn cho công việc.

Commitment1

  1. Caring (Quan tâm tới cuộc sống nhân viên)

Bằng những hành động cụ thể, các nhà quản trị cần cho nhân viên thấy rằng doanh nghiệp thực sự quan tâm đến từng người trong việc ổn định đời sống của họ, đặc biệt là khi có các sự kiện quan trọng của nhân viên, chẳng hạn cưới hỏi, sinh con, tang gia… Trường hợp nhân viên chẳng may bị tai nạn thì thăm hỏi và hỗ trợ chi phí thuốc men cũng là một trách nhiệm mà doanh nghiệp không nên bỏ qua.

  1. Commitment to learning (Cam kết đào tạo)

Phát triển năng lực đội ngũ nhân viên là điều hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo nên quan tâm tạo điều kiện cho mỗi nhân viên ở các vị trí có cơ hội phát huy hết khả năng sáng tạo để thăng tiến. Ngoài các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề và trình độ, doanh nghiệp nên có nhiều chính sách hỗ trợ nhân viên tham gia các khóa học bên ngoài.

  1. Consistency (Giữ vững truyền thống)

Nền văn hóa doanh nghiệp phải dựa trên truyền thống được bồi đắp lâu dài. Truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp cần được duy trì và nâng cao trong các dịp lễ, nhất là nhân ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp. Nên tập hợp những câu chuyện về truyền thống doanh nghiệp để đưa vào nội dung đào tạo nhân viên, in thành tài liệu để nhân viên cũ mới đều dễ dàng tham khảo và noi theo.

  1. Connect (Kết nối)

Các nhà quản trị không nên tự giam mình trong bốn bức tường, mà hằng ngày nên giao tiếp chan hòa với mọi người thuộc mọi cấp bậc khác nhau trong doanh nghiệp. Việc tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ tập thể là rất cần thiết đối với các nhà quản trị nhằm tạo được mối quan hệ gắn bó với đội ngũ nhân viên.

  1. Chronicles (Viết sách truyền thống)

Để mọi nhân viên trong doanh nghiệp cũng như những đối tác, khách hàng của doanh nghiệp đều nắm bắt được những cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển doanh nghiệp, cứ sau vài năm, doanh nghiệp nên tổ chức in và phát hành rộng rãi cuốn sổ tay truyền thống. Tài liệu này còn giúp đội ngũ nhân viên hiểu rõ hơn về vai trò của từng bộ phận, thậm chí từng cá nhân trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Đó cũng là cuốn sách rất cần cho những người mới gia nhập doanh nghiệp và nằm trong gói quà tặng để biếu các vị khách quý khi họ đến thăm doanh nghiệp.

Bài viết có tham khảo tài liệu từ quantri.vn

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *