Đảm bảo công bằng để cân bằng nguồn nhân lực

Các nhà quản trị cấp cao luôn hiểu rõ tầm quan trọng của việc ổn định và phát triển nguồn nhân lực vì tương lai của doanh nghiệp. Để nhân viên hài lòng và gắn kết lâu dài, nhà lãnh đạo cần phải có những chính sách nhân sự phù hợp để đảm bảo mọi người trong công ty đều được đối xử công bằng về môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến cũng như chính sách đãi ngộ.

Công bằng không có nghĩa là cào bằng

Theo ông Shojiro Hayashi (Trung tâm Năng suất Việt Nam), thông qua sự phát triển một cách nhất quán về nguồn nhân lực, chất lượng của doanh nghiệp có thể liên tục được cải thiện và hoàn thiện, từ đó sự phát triển sẽ theo đúng kỳ vọng của người chủ doanh nghiệp.

Vì vậy, việc xem xét huy động nguồn nhân lực, nhất là duy trì sự khích lệ công bằng một cách thường xuyên là một nhiệm vụ thiết yếu của các nhà quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, “khích lệ công bằng” ở đây không nhất thiết phải tuân thủ quy tắc mọi người đều được đối xử đồng nhất như nhau. Trong một vài trường hợp, sẽ có các cơ hội đặc biệt được trao cho một số người đã được lựa chọn để củng cố và phát huy năng lực của họ.

Điều này tùy thuộc vào quan điểm chiến lược của nhà quản trị, nhưng đòi hỏi phải có cách ứng xử và giải thích hợp lý cho những người khác đang mong đợi sẽ đạt được sự đãi ngộ tương tự.

Dựa vào đó, những người có tiềm năng nhưng chưa được chọn sẽ phải nỗ lực để đạt được kết quả cao hơn so với dự kiến ban đầu để chứng tỏ được năng lực đối với các nhà quản trị, từ đó góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cho doanh nghiệp.

mcg

Công bằng lương thưởng

Một vấn đề khác rất cần sự công bằng trong quản lý nhân sự là tiền lương và tiền thưởng. Sự công bằng về lương, thưởng sẽ giúp kích thích tinh thần phấn đấu của các nhân viên, giúp họ thể hiện được toàn bộ năng lực và nâng cao được thành tích của họ.

Sự công bằng trong lương còn thể hiện ở tính cạnh tranh. Phải làm cho mọi nhân viên nhận thức được sự chênh lệch giữa yêu cầu về năng lực đối với họ và mức lương họ nhận được để có động cơ phấn đấu.

Khi cất nhắc nhân viên lên vị trí cao hơn, nhà lãnh đạo nên đặt tiêu chí năng lực làm việc lên hàng đầu. Những yếu tố như kinh nghiệm làm việc, ngoại hình, quê quán… không nên là yếu tố quyết định. Làm việc lâu năm là một điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng nếu một người làm việc lâu mà hiệu quả công việc không cao thì cũng không nên ưu tiên hơn.

Ngoài ra, cần duy trì những hình thức khen thưởng, tăng lương định kỳ vì chẳng doanh nghiệp nào có thể giữ được sự ổn định về nhân sự nếu đồng lương cứ ì ạch mãi.

Công bằng trong sự truyền tải thông tin

Các nhà quản trị doanh nghiệp cần thiết lập được sự tin tưởng lẫn nhau xuyên suốt trong tổ chức, mà cách hợp lý nhất là tăng cường thông tin theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, không cố ý che giấu thông tin (vì càng che giấu càng khiến các nhân viên tò mò và lan truyền tin không chính xác trong nội bộ, gây ra nhiều tai hại khôn lường).

Làm được điều này, các nhà quản trị và đội ngũ nhân viên sẽ hiểu biết nhau rõ ràng hơn và càng tin tưởng ở nhau trong quá trình làm việc. Đó chính là cội nguồn của sự hợp tác tốt đẹp, giúp doanh nghiệp vươn tới những mục tiêu to lớn hơn.

Cuối cùng, xét về tổng thể, nhà quản lý nhân sự “đảm bảo công bằng” là một cách khuyến khích người lao động tự vận động để trưởng thành hơn, giỏi giang hơn và nhờ đó mà doanh nghiệp cũng mạnh hơn.

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published.