7 CÁCH GIÚP CẢI THIỆN MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA NHÂN VIÊN

anhlink-4

Để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp phải dựa trên rất nhiều yếu tố nhưng một yếu tố không thể thiếu đó chính là mức độ hài lòng của nhân viên. Mức độ hài lòng của nhân viên thể hiện sự đáp ứng đầy đủ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần dành cho nhân viên, do đó một khi nhân viên cảm thấy hài lòng với công việc họ sẽ làm việc hiệu quả và gắn bó hơn với công ty.

Mặt khác, khi nâng cao được mức độ hài lòng của nhân viên sẽ duy trì sự ổn định của nguồn nhân lực, giúp giảm chi phí hoạt động và tăng năng suất kinh doanh. Thực tế, nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên không đơn thuần chỉ là tăng lương mà còn cần rất nhiều biện pháp khác.

Hãy thử cùng chúng tôi khám phá 7 cách giúp cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên hiệu quả và ít tốn kém nhé

  1. Xóa nỗi ám ảnh “giờ cao điểm”

“Giờ cao điểm” là giờ đi làm và giờ tan tầm là nỗi ám ảnh với khá nhiều người, đặc biệt là những người nhà ở xa so với cơ quan. Do đó, nhà quản lý nên có biện pháp hỗ trợ nhân viên đi làm một cách thuận lợi hơn bằng cách điều chỉnh giờ làm việc sớm hoặc muộn hơn so với khung giờ chung. Ngoài ra, chính sách phạt nhân viên khi đi làm muộn cũng nên có điều chỉnh sao cho có hiệu quả nhưng cũng không quá khắt khe bởi nếu quá khắt khe sẽ dễ gây áp lực và tâm lý phản kháng cho nhân viên.

Một giải pháp khác cho vấn đề này chính là làm việc từ xa, việc này sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp đồng thời cũng hạn chế được việc đi lại khó khăn cho nhân viên. . Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay thì trong một số ngành nhất định, làm việc ở đâu không còn là một vấn đề. Nếu có điều kiện, bạn hãy để nhân viên làm việc ở nơi họ thấy thoải mái nhất.

  1. Trao cho nhân viên quyền tự chủ nhiều hơn

Để giúp cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên, nhà quản lý nên tạo điều kiện cho nhân viên tự sắp xếp công việc một cách linh động, tự chủ môi trường và thói quen làm việc. Mỗi nhân viên ngoài giờ làm việc còn có những trách nhiệm khác nhau với gia đình, xã hội nên một khung giờ làm việc linh hỏa sẽ giúp nhân viên tập trung làm việc, cống hiến tốt hơn.

Ngoài ra, nhà quản lý cũng nên khuyến khích nhân viên trang trí khu vực làm việc theo sở thích để giúp nhân viên cảm thấy thoải mái, thư thái khi làm việc. Điều này không chỉ tạo sự gần gũi giữa các nhân viên trong công ty mà còn hỗ trợ nhân viên chăm sóc sức khỏe bản thân bởi một số người mắc bệnh đau lưng, mỏi mắt sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi khu vực làm việc được bố trí theo nhu cầu của họ.

  1. Đừng phí thời gian vào những việc vô ích

Deadline – “hạn chót” luôn là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng ở nhiều nhân viên, do đó khi đứng ở vị trí nhà quản lý, bạn nên điều chỉnh thời gian làm việc cho nhân viên thật hợp lý. Bạn nên giảm bớt họp hành để nhân viên có thời gian cho nhân viên tập trung làm việc.

Một trong những ý tưởng thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng rất hiệu quả đó là họp đứng. Cuộc họp sẽ kết thúc nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hoặc một số giải pháp nữa bạn cũng nên tham khảo đó là họp trực tuyến qua skype, họp vào cuối giờ trưa hoặc giờ tan sở sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc hơn.

  1. Quan tâm tới sức khỏe nhân viên

Quan tâm tới sức khỏe của nhân viên chính là một trong những điều nên làm để cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên bởi bạn biết đấy nếu sức khỏe không tốt làm sao nhân viên có thể thực hiện được các công việc theo đúng yêu cầu. Và khi đó, không chỉ tổn hại đến nhân viên mà còn ảnh hưởng và gây thiệt hại cho công ty.

Vì vậy, khi đứng ở vai trò của một nhà quản lý, bạn cần khuyến khích nhân viên quan tâm hơn đến sức khỏe của chính mình bằng cách khuyến khích nhân viên chăm chỉ tập luyện thể thao, trang bị một bếp ăn đơn giản trong công ty để nhân viên có thể hâm nóng đồ ăn đã chuẩn bị sẵn từ nhà. Khi nhân viên cảm thấy mình được quan tâm, chăm sóc tận tình thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy hài lòng hơn đối với công ty và coi đây như một ngôi nhà thứ 2 để gắn bó

  1. Khuyến khích các hoạt động tập thể

Làm việc trong một môi trường thân thiện, cởi mở luôn là mong ước của bất cứ nhân viên nào, sẽ chẳng có ai muốn làm việc trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và săm soi. Vì thế, nhà quản lý nên tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội xích lại gần nhau hơn bằng cách sắp xếp lại không gian văn phòng hợp lý, khuyến khích mọi người ăn trưa hoặc tổ chức sinh nhật tập thể cho nhân viên.

Với các hoạt động tập thể, bạn không nên chỉ giới hạn chúng trong giờ làm việc mà còn cần sắp xếp những hoạt động ấy vào cuối tuần, chẳng hạn như tham gia vào các hoạt động tình nguyện hoặc chơi thể thao cuối tuần. Các hoạt động tình nguyện không chỉ đem lại niềm vui cho cộng đồng mà còn đem tới niềm vui cho chính bạn và mọi người trong công ty, đồng thời xây dựng uy tín và danh tiếng cho thương hiệu.

  1. Tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển

Công việc không chỉ mang đến nguồn thu nhập. Công việc còn là cơ hội để nhân viên học hỏi và phát triển. Điều mà người lao động quan tâm nhất không phải là lương thưởng mà là cơ hội phát triển và được cấp trên công nhận năng lực. Nhà quản lý nên tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho nhân viên, khuyến khích nhân viên học hỏi các kỹ năng mới. Không học hỏi được điều gì mới hoặc cứ mãi làm một nhiệm vụ khiến nhân viên dễ chán nản và đánh mất động lực làm việc.

  1. Mang đến những niềm vui bất ngờ cho nhân viên

Mỗi hành động quan tâm dù nhỏ nhất của nhà quản lý cũng khiến nhân viên cảm động. Một ví dụ đơn giản như nhà quản lý dành tặng cho bạn một chút quà, bánh hay một vài cốc cà phê vào giờ nghỉ cũng làm nhân viên cảm thấy vui vẻ và được trân trọng.

Vào những dịp lễ, tết, nhà quản lý nên cùng nhân viên tổ chức các buổi tiệc nho nhỏ để giúp các thành viên gắn kết với nhau hơn. Ngoài ra, nếu bạn tổ chức các cuộc thi trong nội bộ công ty thì nên “thưởng nóng” cho nhân viên, đừng đơn thuần quy đổi thành điểm thi đua hay thứ hạng trong bảng thành tích. Phần thưởng cụ thể như phiếu mua hàng hay một chuyến du lịch ngắn ngày sẽ khiến mọi người hào hứng hơn.

Có nhiều nhà quản lý vẫn thường cho rằng việc cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên là điều không cần thiết, thế nhưng vào một ngày nào đó khi vô tình đọc được những dòng suy nghĩ của nhân viên trên mạng xã hội thì chắc họ sẽ phải suy nghĩ lại. Thông qua 7 cách giúp cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên, hi vọng khi bạn đang làm sếp, hãy cố gắng để trở thành một vị sếp được nhân viên yêu mến. Một môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện sẽ khởi đầu cho thành công của việc kinh doanh.

Share

Add Your Comments

Your email address will not be published.