KPI và KRI được xem là một công cụ hiện đại giúp các nhà quản lý triển khai chiến lược kinh doanh thành các mục tiêu quản lý và chương trình hành động cụ thể cho từng bộ phận, từng nhân viên. Tuy nhiên, dưới con mắt của một số nhân viên thì áp dụng KPI/ KRI thật phức tạp, tốn kém và chỉ là công cụ để các nhà quản lý kiểm soát nhân viên. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến lợi ích của việc sử dụng hệ thống KPI và KRI từ phương diện của nhân viên.
Trước hết, chúng ta cần hiểu khái niệm KPI, KRI là gì và chúng khác nhau như thế nào:
KPI (Key Performance Indicators) – chỉ số hiệu suất cốt yếu – là các hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc, cung cấp các thông tin quan trọng về hiệu suất, giúp các bên liên quan hiểu được hiệu suất hoạt động của cá nhân và tổ chức. Chỉ số KPI cho biết bạn phải làm gì để tăng hiệu suất. Một hệ thống KPI hiệu quả là hệ thống đạt chuẩn SMART (Specific: Cụ thể; Measurable: Đo lường được; Attainable: Có thể đạt được; Realistic: Có tính thực tiễn cao và Timely: Có hạn định). Khác với KPI, KRI (Key Result Indicators) là chỉ số kết quả cốt yếu. Đây là các hệ số đo lường kết quả cuối cùng của cá nhân, tổ chức. Chỉ số KRI cho biết bạn đã làm được gì.
Tại sao việc áp dụng hệ thống KPI và KRI trong quản lý công việc của toàn tổ chức, của bộ phận và cá nhân được xem là chìa khóa thành công cho tổ chức cũng như mỗi nhân viên?
Thứ nhất: KPI giúp tổ chức và mỗi nhân viên thấy được trong một loạt các công việc mình đang thực hiện thì đâu là những nhân tố quan trọng, cần ưu tiên hơn và việc thực hiện tốt các yếu tố này sẽ đảm bảo mang lại một kết quả tốt cho tổ chức trong tương lai. Giữa rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện, biết rõ mình nên ưu tiên làm gì khiến nhân viên có thể chủ động lên kế hoạch cho bản thân để hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai: Các chỉ số KPI được xây dựng hợp lý với tính định lượng cao là một sự định hướng cụ thể cho nhân viên. Họ sẽ biết rõ cần phải có những nỗ lực ở mức nào đối với các công việc cốt yếu. Đặt KPI trong mối tương quan với KRI, nhân viên thấy được những nỗ lực họ bỏ ra sẽ đem lại kết quả như thế nào.
Thứ ba: Sử dụng KPI và KRI trong việc tính lương-thưởng, như một số doanh nghiệp đang áp dụng, góp phần làm cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc trở nên cụ thể, công bằng và hiệu quả hơn. Những nỗ lực và kết quả làm việc của nhân viên được đánh giá, ghi nhận một cách kịp thời, chính xác và công bằng luôn được xem là một phương thức hữu hiệu trong việc tạo động lực làm việc. Bằng việc nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được lượng hóa bằng các chỉ tiêu KPI, người nhân viên trước tiên sẽ có được một mức thu nhập tốt hơn khi lương được tính theo KPI. Khi các nỗ lực được thực hiện đúng hướng, dần chuyển đổi thành kết quả thì nhân viên sẽ được hưởng mức lương/thưởng theo KRI tốt hơn. Thực hiện tốt các chỉ tiêu KPI được xây dựng theo nguyên tắc SMART sẽ tạo ra một sự ảnh hưởng kép đến thu nhập của CBNV. Một ví dụ đơn giản là, công ty trả lương cho nhân viên kinh doanh trên hai tiêu chí (i) số cuộc gặp khách hàng mới trong tháng và (ii) doanh thu bán hàng trong tháng. Nếu các điều kiện thị trường không thay đổi, nhân viên kinh doanh hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thiết lập các cuộc gặp với khách hàng thì thu nhập của anh ta sẽ tăng lên. Không dừng lại ở đây, một trong các khách hàng tiềm năng mà anh ta đã gặp gỡ có thể sẽ là khách hàng của anh ta trong thời gian tới và do vậy anh ta sẽ có được mức doanh thu cao hơn nhờ mở rộng mạng lưới khách hàng và tất nhiên là mức lương tính theo doanh thu sẽ cao hơn.
Như vậy, với nhân viên làm việc ở công ty áp dụng hệ thống KPI/KRI, thay vì tự mò mẫm với một núi các công việc hoặc dù biết nên làm gì nhưng lại thiếu động lực để vượt qua sức ì của bản thân, bạn sẽ được các nhà quản lý cấp cho chiễc la bàn với kim chỉ nam là kết quả kinh doanh chung của công ty và là lợi ích của chính bạn. Điều quan trọng hơn cả, chính những nhà quản lý đầy nhiệt tâm này cũng sẽ luôn đồng hành bên bạn, ghi nhận các nỗ lực cũng như nhắc nhở bạn để bạn có thêm động lực. Là một nhân viên thông minh, hãy góp phần vào việc hoạch định tương lai của mình bằng những đóng góp xây dựng hoàn thiện hệ thống KPI theo tiêu chuẩn SMAT.
Ngô Minh Anh – Giám đốc dịch vụ tư vấn doanh nghiệp